So sánh khiếu nại và khiếu kiện hành chính với 8 tiêu chí

Nếu muốn so sánh khiếu nại và khiếu kiện hành chính, bạn phải dựa trên 8 tiêu chí cơ bản sau: khái niệm, căn cứ pháp lý, đối tượng và chủ thể, thời hạn và thời hiệu, hình thức và thủ tục, điều kiện khiếu nại/khiếu kiện. Để biết chi tiết, mời bạn theo dõi các phần nội dung được chia sẻ dưới đây của luatdaibang.com.

Khiếu kiện có mức độ nghiêm trọng hơn khiếu nại hành chính
Khiếu kiện có mức độ nghiêm trọng hơn khiếu nại hành chính

So sánh khiếu nại và khiếu kiện hành chính dựa trên khái niệm và căn cứ pháp lý

Khiếu nại và khiếu kiện hành chính vốn đã khác nhau về bản chất và căn cứ pháp lý. Bạn nên nắm chắc thông tin này để đảm bảo soạn thảo và đệ đơn phù hợp với vấn đề đang gặp phải.

Tiêu chí Khiếu nại Khiếu kiện
Khái niệm Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.” Bản chất của khiếu kiện không được quy định rõ tại các điều khoản của Luật Tố tụng hành chính 2015. Song có thể hiểu đơn giản, khởi kiện hành chính là việc cá nhân, tổ chức yêu cầu toà án có thẩm quyền xem xét và giải quyết các đối tượng hành chính có tác động làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình.
Căn cứ pháp lý Luật Khiếu nại 2011 Luật Tố tụng hành chính 2015

Đối tượng và chủ thể khiếu nại/khiếu kiện

Đối tượng và chủ thể là hai tiêu chí cần đặc biệt quan tâm khi so sánh khiếu nại và khiếu kiện hành chính.

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 và Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015, đối tượng khiếu nại là 3 và đối tượng khiếu kiện là 5. Trong khi đó, tổng chủ thể của khiếu nại và khiếu kiện đều là 4.

Tiêu chí Khiếu nại Khiếu kiện
Đối tượng – Quyết định hành chính;

– Hành vi hành chính;

– Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

– Quyết định hành chính;

– Hành vi hành chính;

– Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữa chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống;

– Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

– Danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân.

Chủ thể – Người khiếu nại (cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại);

– Người bị khiếu nại;

– Người giải quyết khiếu nại (Thủ trưởng cơ quan, tổ chức ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính);

– Người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

– Người khởi kiện (cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu kiện);

– Người bị kiện;

– Toà án có thẩm quyền giải quyết, cụ thể là Thẩm phán được Chánh án phân công (nếu vụ án được đưa ra xét xử thì chủ thể sẽ có thêm Hội thẩm nhân dân);

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong đó, thẩm quyền giải quyết của các chủ thể như sau:

Theo Điều 17, 26 của Luật Khiếu nại 2011, đối với khiếu nại hành chính:

  • Đơn khiếu nại lần 1 sẽ do chủ thể ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính thụ lý và giải quyết.
  • Đơn khiếu nại lần 2 sẽ do Thủ trưởng cấp trên của chủ thể ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính trực tiếp giải quyết.

Đối với khiếu kiện hành chính thì chủ thể có thẩm quyền giải quyết là toà án. Theo Điều 31, 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì toà án có thể là toà án cấp huyện hoặc cấp tỉnh phụ thuộc vào cấp ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Chủ thể giải quyết khiếu nại và khiếu kiện hoàn toàn khác nhau
Chủ thể giải quyết khiếu nại và khiếu kiện hoàn toàn khác nhau

Thời hạn giải quyết và thời hiệu của khiếu nại/khiếu kiện

Thời hạn và thời hiệu ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lý khiếu nại/khiếu kiện. Đây là một trong những tiêu chí rất quan trọng mà bạn cần biết khi so sánh khiếu nại và khiếu kiện hành chính.

Thời hạn giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện

Căn cứ Điều 28 và Điều 37 của Luật Khiếu nại 2011, thời hạn giải quyết khiếu nại cụ thể như sau:

  • Khiếu nại lần 1 sẽ được giải quyết trong vòng 30 ngày (kể từ ngày đơn khiếu nại được thụ lý), và không quá 45 ngày đối với các vụ việc mang tính chất phức tạp theo quy định của Luật này.
  • Thời hạn giải quyết của khiếu nại lần 2 là trong vòng 45 ngày (kể từ ngày đơn khiếu nại được thụ lý), và không quá 60 ngày đối với các vụ việc phức tạp hơn theo quy định của Luật này.

Theo Điều 130, Điều 221 Luật Tố tụng hành chính 2015, thời hạn khiếu kiện sẽ được chia thành 3 trường hợp.

  • Đối với vụ án sơ thẩm:
    • Đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hạn là 4 tháng (kể từ ngày vụ án được thụ lý).
    • Đối với các quyết định giải quyết khiếu nại về các vụ việc cạnh tranh thì thời hạn là 2 tháng (kể từ ngày khiếu kiện được thụ lý).
  • Đối với vụ án phúc thẩm:
    • Đối với các vụ việc không mang tính chất phức tạp theo Luật Tố tụng hành chính 2015 thì thời hạn là 60 ngày (kể từ ngày thụ lý vụ án). Tức, trong vòng 60 ngày, chủ toạ phiên toà phải đưa ra được một trong ba quyết định sau: Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
    • Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì thời hạn có thể kéo dài thêm 30 ngày, tức 90 ngày. Trong vòng 90 ngày, toà án phải mở phiên toà phúc thẩm.
Lưu ý thời hạn và thời hiệu khi làm đơn khiếu nại và khiếu kiện
Lưu ý thời hạn và thời hiệu khi làm đơn khiếu nại và khiếu kiện

Thời hiệu khiếu nại/khiếu kiện theo quy định pháp luật

Theo Điều 9 Luật Khiếu nại 2011: “Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch hoạ, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà có giấy tờ hợp lệ làm căn cứ để chứng minh, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.”

Theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015: “Thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc. 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 5 ngày.”

Hình thức tiến hành và quy trình khiếu nại/khiếu kiện

Nếu bạn đang có dự định tự khiếu nại/khiếu kiện thì cần nắm chắc 2 nội dung dưới đây.

Các hình thức khiếu nại/khiếu kiện hợp pháp

Theo Điều 8 Luật Khiếu nại 2011: “Công dân có thể chọn 1 trong 2 hình thức là khiếu nại trực tiếp và khiếu nại bằng đơn khởi kiện.”

Theo Điều 117 Luật Tố tụng hành chính 2015: “Công dân bắt buộc phải khởi kiện bằng đơn khởi kiện được nộp trực tiếp tại toà án, gửi qua dịch vụ bưu chính, hoặc gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của toà án (nếu có).”

Hình thức khiếu kiện bằng đơn khiếu kiện là cách hợp lệ duy nhất
Hình thức khiếu kiện bằng đơn khiếu kiện là cách hợp lệ duy nhất

Chi tiết quy trình giải quyết khiếu nại/khiếu kiện hành chính

Các khiếu nại hành chính sẽ được thụ lý và giải quyết theo quy trình sau:

  • Bước 1: Cá nhân/tổ chức khiếu nại tiến hành soạn thảo đơn khiếu nại và gửi đến cơ quan ban đã hành quyết định hành chính, hành vi hành chính.
  • Bước 2: Đại diện của cơ quan ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính tiếp nhận và thụ lý đơn khiếu nại (trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại).
  • Bước 3: Cơ quan ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính đưa ra quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 (thời hạn không quá 30 ngày, và không quá 45 ngày đối với các vụ việc phức tạp kể từ ngày hồ sơ khiếu nại được thụ lý).
  • Bước 4: Nếu cá nhân/tổ chức khiếu nại không hài lòng với quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 thì có thể đệ đơn khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện ra toà.
  • Bước 5: Quyết định giải quyết khiếu nại chính thức được thi hành.

Các thủ tục sẽ triển khai trong quá trình giải quyết khiếu kiện hành chính:

  • Bước 1: Cá nhân/tổ chức soạn thảo và nộp đơn khiếu kiện lên toà án.
  • Bước 2: Thẩm phán được Chánh án toà án phân công phải có trách nhiệm thụ lý và xem xét đơn khiếu kiện.
  • Bước 3: Toà án tổ chức phiên xét xử sơ thẩm dựa trên nội dung đơn khiếu nại. 
    • Đối với các vụ án cơ bản theo Luật Tố tụng hành chính 2015 thì thời gian kể từ khi Thẩm phán thụ lý hồ sơ đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 4 tháng (đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc), và 2 tháng (đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh).
    • Đối với khiếu kiện cử tri thì thời hạn là 2 ngày kể từ ngày toà án đưa ra quyết định mở phiên toà xét xử.
  • Bước 4: Triển khai phiên toà xét xử phúc thẩm (nếu có).
  • Bước 5: Các bản án, quyết định đã được toà phán quyết sẽ chính thức được thi hành.

Qua phần nội dung so sánh khiếu nại và khiếu kiện hành chính về hình thức và quy trình có thể thấy thủ tục của 2 thủ tục này hoàn toàn khác nhau. Bạn nên lưu ý để tránh gặp rắc rối trong quá trình tự khiếu nại hay khởi kiện.

Bạn có thể đệ đơn phúc thẩm nếu chưa hài lòng kết quả sơ thẩm
Bạn có thể đệ đơn phúc thẩm nếu chưa hài lòng kết quả sơ thẩm

Để được hỗ trợ chi tiết về vấn đề Khiếu nại hành chính, hãy liên hệ ngay với đội ngũ luật sư của Luật Đại Bàng! Chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn từ việc phân tích cơ sở pháp lý của khiếu nại đến việc đại diện và hỗ trợ trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn sự tư vấn chuyên sâu và giải pháp pháp lý hiệu quả nhất. 

So sánh khiếu nại và khiếu kiện hành chính không khó. Tuy nhiên, không phải cá nhân/tổ chức nào cũng có thể tự soạn thảo và đệ đơn khiếu nại/khiếu kiện một cách suôn sẻ. Nếu bạn đang có nhu cầu khiếu nại/khiếu kiện nhưng vẫn chưa biết cách soạn đơn thì hãy liên hệ với luatdaibang.com, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn cho bạn 24/7.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *