Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là các hành vi gian dối nhằm lợi dụng lòng tin của người khác để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản như tiền bạc, hiện vật, giấy tờ có giá trị,… Với hành vi này, người phạm tội có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo từng tình tiết và hậu quả khác nhau. Cùng Luật Đại Bàng theo dõi bài viết sau đây để nắm được các quy định về tội danh này nhé!
Khái niệm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng các thủ đoạn gian dối, lợi dụng lòng tin của người quản lý, chủ sở hữu tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt và mang về lợi ích cho bản thân. Để lừa được người quản lý tài sản, đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo có thể sử dụng nhiều cách khác nhau như giả mạo giấy tờ, dùng lời nói dối, giả danh cơ quan nhà nước, người có quyền hạn, chức vụ,…
Những yếu tố cấu thành nên tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo quy định của pháp luật, những yếu tố cấu thành nên tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
Chủ thể
Bất cứ đối tượng nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đều được xem là chủ thể của tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ theo điều 12 của bộ luật hình sự 2015 thì những người dưới 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Khách thể
Khách thể cấu thành nên tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản là các hành vi nhằm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
Chủ quan
Tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mặc dù nhận thức rõ được hành vi mình gây ra là gian dối và trái pháp luật nhưng người phạm tội vẫn cố ý thực hiện. Đồng thời, thấy trước được hậu quả của hành vi này là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật nhưng vẫn cố ý để hậu quả đó xảy ra.
Khách quan
Các hành vi gian dối sử dụng để chiếm đoạt tài sản của người khác bao gồm:
- Sử dụng thông tin giả mạo làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra các thông tin giả có thể thực hiện qua các hình thức khác nhau như viết thư, dùng lời nói, giả vờ vay, mượn,…
- Chiếm đoạt tài sản được hiểu đơn giản là hành vi chuyển dịch trái phép tài sản của người khác thành tài sản của bản thân mình.
- Dấu hiệu bắt buộc của tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng các thủ đoạn gian dối.
Tài sản bị chiếm đoạt bắt buộc phải có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu như tài sản dưới 2 triệu đồng thì cần thuộc các trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính, kết án về tội danh chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án.
Khung hình phạt dành cho tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo điều 174 của bộ luật hình sự năm 2015, các hình phạt dành cho tội danh chiếm đoạt tài sản được quy định như sau:
– Khung 1: Người nào sử dụng các thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc vào các trường hợp bên dưới thì bị phạt cải tạo không giam giữ tối đa 3 năm hoặc phạt tù trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 3 năm:
- Trong quá khứ đã từng bị xử phạt về hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn cố ý vi phạm.
- Đã bị kết án về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc các tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lạm dụng uy tín chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản và chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự và an toàn của xã hội.
- Tài sản là phương tiện chính dùng để kiếm sống của người bị hại và gia đình.
– Khung 2: Phạt từ 2 đến 7 năm tù với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu vi phạm các trường hợp sau:
- Phạm tội có tổ chức
- Có tính chất chuyên nghiệp
- Tái phạm nguy hiểm
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 đến dưới 200 triệu đồng
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt
- Lợi dụng quyền hạn, chức vụ hoặc danh nghĩa của tổ chức, cơ quan nhằm chiếm đoạt tài sản
– Khung 3: Phạt từ trong thời gian 7 đến 15 năm nếu vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Lợi dụng thời điểm thiên tai, dịch bệnh để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản
- Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng
– Khung 4: Hình phạt từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng hoặc lợi dụng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội.
Bên cạnh các hình phạt chính, tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 10 đến 100 triệu, cấm hành nghề, đảm nhiệm chức vụ ở công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu tài sản.
Nếu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra thiệt hại, người lừa đảo cần bồi thường cho nạn nhân theo điều 586 bộ luật dân sự 91/2015/QH13 như sau:
- Người phạm tội chưa đủ 15 tuổi mà còn bố, mẹ thì bố, mẹ cần bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân. Nếu tài sản của bố, mẹ không đủ mà con chưa thành niên có tài sản riêng thì lấy số tiền đó để bù vào phần bồi thường còn thiếu.
- Người phạm tội từ 15 đến dưới 18 tuổi thì cần lấy tài sản của mình để bồi thường thiệt hại. Nếu tài sản không đủ để bồi thường thì bố, mẹ sẽ cần bù vào phần còn thiếu.
Như vậy, Luật Đại Bàng vừa cung cấp cho quý độc giả những thông tin liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu bạn có nhu cầu cần tư vấn thêm về tội danh này hoặc nhờ luật sư bào chữa, hãy liên hệ với chúng tôi ngay trong hôm nay. Với đội ngũ chuyên viên giàu kinh nghiệm, Luật Đại Bàng cam kết mang đến cho khách hàng những dịch vụ tư vấn luật hình sự tốt nhất.